Đọc truyện cười, đôi khi không chỉ là để cười, để thư giãn. Mà có
thể, đằng sau những mẩu chuyện ấy là một bài học, một thông điệp đến từ cuộc sống.
Câu chuyện thứ nhất:
Một cậu học trò lớp ba viết rằng cậu muốn
trở thành một diễn viên hài trong bài tập làm văn của mình. Thầy giáo Việt Nam phê:
"Không có chí lớn", còn thầy giáo người nước ngoài nói: "Thầy
chúc em mang tiếng cười cho toàn thế giới".
Là người lớn, chúng ta nên khuyến khích, cổ
vũ hơn là đặt ra những yêu cầu quá cao đối với trẻ con. Hơn thế, chúng ta hãy
mở rộng khái niệm thành công để trẻ con thoải mái tung đôi cánh ước mơ của
mình.
Câu chuyện thứ hai:
Ăn cơm xong, mẹ và con gái rửa chén bát
trong bếp, bố và con trai ngồi xem ti vi. Bỗng nhiên có tiếng đổ vỡ dưới bếp,
sau đó im bặt. Con trai nói: "Con biết chắc mẹ vừa làm bể chén bát",
bố hỏi: "Tại sao con chắc như thế?", con trai trả lời: "Vì không
nghe tiếng mẹ la".
Chúng ta luôn đánh giá người khác và đánh
giá bản thân qua những tiêu chuẩn nào đó, thường khó khăn với người khác nhưng
lại rất dễ dãi đối với mình.
Câu chuyện thứ ba:
Người ăn mày nói: "Bà có thể cho tôi
xin một ngàn không?", người qua đường trả lời: "Nhưng tôi chỉ có năm
trăm", người ăn mày bảo: "Vậy bà thiếu tôi năm trăm nhé".
Nhiều người trong chúng ta luôn cho rằng
ông trời mắc nợ mình, cho mình không đủ, không tốt nên lòng tham đã che mất
thái độ biết ơn.
Câu chuyện thứ tư:
Người vợ đang nấu ăn trong nhà bếp, người
chồng đứng bên cạnh nhắc nhở: "Cẩn thận, coi chừng khét!", "Sao
em bỏ ít muối thế?, "Ơi kìa, nước đã sôi rồi, em cho thịt vào đi".
Người vợ bưc bội: "Anh làm ơn đi ra ngoài giùm em! Em biết nấu ăn mà!".
Người chồng mỉm cười: "Ừ, có ai bảo em không biết nấu ăn đâu. Anh chỉ muốn
em hiểu được cảm giác của anh như thế nào khi đang lái xe mà em ngồi bên cạnh
cứ lải nhải".
Học cách thông cảm người khác không khó,
chỉ cần chúng ta đặt mình vào hoàn cảnh của người khác.
Câu chuyện thứ năm:
A nói với B: "Khu nhà tôi vừa dọn về
một ông hàng xóm bất lịch sự. Tối hôm qua, đã gần một giờ sáng rồi mà ông ta
còn qua đập cửa nhà tôi rầm rầm". B hỏi: "Thế anh có báo cảnh sát
không?". A trả lời: "Không, tôi mặc kệ ông ta, xem ông ta như thằng
điên vì lúc ấy tôi đang tập thổi kèn saxophone".
Chuyện gì cũng có nguyên nhân, nếu biết
trước lỗi của mình thì hậu quả sẽ khác đi. Tuy nhiên, chúng ta lại thường ít
khi thấy mình sai, nhưng lại dễ dàng thấy người khác sai.
Câu chuyện thứ sáu:
Hai cha con đi ngang qua một khách sạn 5
sao. Trông thấy một chiếc xe hơi xịn rẽ vào, cậu con trai nhận xét:
-Những người ngồi trên chiếc xe ấy đều có
trình độ học vấn rất thấp!
Người cha ôn tồn đáp lại:
-Người vừa phát biểu câu ấy là người hiện
trong túi không có lấy một đồng xu!
Con người thường có thái độ "ghen ăn
tức ở", khi nói ra điều gì, nhận xét việc gì đều thể hiện trình độ và
"đẳng cấp" của mình. Bởi vậy hãy thận trọng!.
Câu chuyện thứ bảy:
Có hai đoàn khách nước ngoài đến tham quan
một địa điểm du lịch sinh thái. Do trời mưa nên đường dẫn vào khu "Kỳ hoa
dị thảo" lầy lội. Người hướng dẫn của đoàn thứ nhất bảo: "Xin lỗi quý
khách, chúng ta không thể đi tiếp". Còn người hướng dẫn đoàn thứ hai suy
nghĩ một thoáng rồi nói: "Để quý khách thấy rằng việc tìm kiếm kỳ hoa dị
thảo khó khăn như thế nào, Ban giám đốc công ty đã cố tình tạo con đường lầy lội
cho quý khách có thêm cảm xúc thực tế".
Hoàn cảnh khác nhau, quan điểm khác nhau sẽ
nhìn một sự vật không giống nhau. Tư tưởng kỳ lạ như thế đấy bạn ạ! Nếu bạn
chịu suy nghĩ thì quyền quyết định hoàn cảnh nằm trong tay bạn.
Câu chuyện thứ tám:
Một phụ nữ vào tiệm kim hoàn, trông thấy
hai chiếc vòng đeo tay giống nhau như đúc, một chiếc giá 2 triệu, một chiếc giá
20 triệu. Không chần chừ, bà ta liền lấy chiếc 20 triệu vì nghĩ rằng đắt tiền
chắc chắn sẽ là đồ tốt. Khi vừa quay lưng bước đi, bà nghe nhân viên nói với
nhau: "Không ngờ chỉ vì đính sai bảng giá mà chúng ta lời đến 18 triệu
đồng!".
Hãy xem, lắng nghe và kiểm định. Đó là lời
khuyên trong câu chuyện này. Có nhiều thứ tưởng vậy, thấy vậy, nghe vậy mà
không phải vậy, đừng vì chủ quan, tin vào suy nghĩ của mình mà lầm to.
Câu chuyện thứ chín:
Hai vợ chồng vào xem triển lãm tranh của
các họa sĩ trẻ, trong đó có một bức tranh của con trai họ. Người vợ đi rất
nhanh, mắt chỉ kịp lướt vào tên của tác giả ở mỗi bức tranh. Một lúc sau không thấy
chồng, người vợ quay lại tìm. Người chồng đang đứng trước một bức tranh say sưa
ngắm nhìn. Bức trang ấy lúc nẫy người vợ đã xem qua. Bà bực bội nói: "Ông
đứng đó làm gì vậy? Sao không đi tìm bức tranh của con mình?". Người chồng
quay sang nhìn vợ: "Đây là tranh của con mình nè, nó quên ký tên trên bức
tranh".
Trong cuộc sống, có người chỉ lo chạy băng
băng nên đã không thể tìm thấy thứ mình cần tìm, đánh mất cơ hội được thưởng
thức hoa nở hai bên đường.
Câu chuyện thứ mười:
Tại buổi lễ tốt nghiệp ở một trường cấp
hai, thầy hiệu trưởng đọc tên học sinh xuất sắc nhất trong năm học. Đọc đến lần
thứ ba mà vẫn không thấy ai đi lên sân khấu. Thầy hiệu trưởng nhìn xuống, hỏi cậu
học sinh xuất sắc đang bình thản ngồi bên dưới:
-Em không nghe thầy gọi tên à?
Cậu học sinh đứng lên, lễ phép:
-Dạ, thưa thầy em đã nghe. Nhưng em sợ các
bạn chưa nghe thấy ạ!.
Danh và lợi đã vô tình trở thành chiếc lồng
nhốt chúng ta vào trong ấy. Chúng ta luôn giáo dục con em mình phải cố gắng học
thật giỏi, phải trở thành nhân vật xuất sắc nhất nhưng lại ít khi dạy các em
tính khiêm tốn.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét